Giống cây trồng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Giống cây trồng là gì?
Khoản 5 Điều 2 Luật trồng trọt 2018 định nghĩa về giống cây trồng như sau:
“5. Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”
Theo đó, chúng ta có thể hiểu giống cây trồng là một nhóm thực vật cùng loài, do con người chọn tạo ra, các các đặc điểm di truyền đồng nhất và ổn định.
Giống cây trồng
Sản xuất giống cây trồng là gì?
Căn cứ Điều 23 Luật trồng trọt 2018 về sản xuất giống cây trồng:
“1. Sản xuất giống cây trồng được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Cây, vườn cây cung cấp vật liệu phục vụ nhân giống vô tính, hạt lai đa dòng đối với cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm phải được cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng theo quy định tại Điều 24 của Luật này.”
Sản xuất giống cây trồng được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính nhằm duy trì, củng cố độ thuần chủng, sức sống và tình trạng điển hình của giống; Tạo ra số lượng giống cần thiết để cung cấp cho sản xuất đại trà; Đưa giống tốt phổ biến nhanh vào sản xuất.
Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ Điều 22 Luật trồng trọt 2018 về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Căn cứ Điều 8 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác:
“Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt và một số quy định chi tiết sau đây:
1. Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.”
Như vậy, những điều kiện mà tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng bao gồm:
- Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
- Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng;
- Gửi thông báo tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn.(Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.)